Hoàng Hậu cuối cùng của triều Nguyễn Nam_Phương_hoàng_hậu

Ảnh Hoàng hậu trên một con tem Quốc gia Việt Nam.Hoàng hậu sang Pháp yết kiến Tổng giám mục

Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một điều hiếm hoi đối với các chính cung trong triều Nguyễn vì các đời trước mới chỉ có Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính thất của Gia Long và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, chính thất của Tự Đức được phong Hoàng hậu khi còn sống.Bắt đầu từ năm 1934, triều đình nhà Nguyễn dùng từ Ngài Hoàng để thưa gởi hoặc nói về Nam Phương Hoàng Hậu.

Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau: "Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng Đế".

Sau lễ cưới, Bảo Đại cùng Nam Phương không được ở trong Tử Cấm thành theo quyết định của Hội đồng hoàng tộc (Tôn nhân phủ). Thoạt đầu họ ở một cung điện riêng, sau này gọi là điện Kiến Trung ở gần ngay đấy nhưng vẫn là ngoài khu vực Tử Cấm thành. Bảo Đại đã van nài Hoàng Thái hậu Từ Cung và bà đã khẩn khoản xin với Tôn nhân phủ để cuộc hôn nhân này được chấp nhận.[23] Điện Kiến Trung xây cất từ thời Khải Định, nhưng đã được sửa chữa và tân trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều Bảo Đại, trong đó có phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách, phòng làm việc. Bề ngoài cung điện vẫn được giữ y nguyên như cũ, nhưng bên trong được kiến trúc sư M. Chatel thay đổi toàn diện làm cho nó mới hơn, rộng rãi thoáng mát vệ sinh và thực tiễn hơn.

Khi đó công việc hàng ngày của Hoàng hậu là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng bà phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ tiệc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Từ Cung Hoàng thái hậu, tức mẹ của Bảo Đại. Hoàng hậu còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Theo lời nữ sĩ Đạm Phương thì có lần Hoàng hậu bảo bà làm đơn xin phép Bộ Giáo dục đem môn nữ công gia chánh vào học đường.

Hoàng hậu cũng xuất hiện thường xuyên bên cạnh Bảo Đại trong các nghi lễ ngoại giao như đón tiếp Thống chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Soupha Vangvong nước Lào hoặc Quốc vương Sihanouk của Cao Miên... Lần Bảo Đại tự mình lái xe hơi đi thăm Nam Vang cũng có mặt Hoàng hậu tháp tùng.

Hoàng hậu Nam Phương cũng cư xử rất khéo với mọi người tôn sùng đạo Phật trong hoàng tộc. Bà năng đi lễ chùa có khi cho cả các con cùng nhưng bà cũng hạn chế đến mức tối thiểu chỉ cho dự những ngày lễ chính của đạo Phật, can ngăn không cho Thái hậu đeo bùa ở cổ tay cháu nội của bà. Bà cũng khước từ đeo vào vai túi đựng những lá bùa. Bà tham dự các buổi lễ Phật, đi thăm các lăng tẩm, luôn đứng thẳng người nhưng hai tay bao giờ cũng chắp lại ngang ngực với một thái độ kính cẩn, thấm thía để che giấu tín ngưỡng thật của mình. Nhưng bà cũng kiên quyết đòi thực hiện các biện pháp canh tân của mình.

Con cái

Nam Phương Hoàng hậu với Thái tử Bảo Long và Công chúa Phương Liên

Hai năm sau ngày cưới, đêm ngày 4 tháng 1 năm 1936, người dân Huế nghe những tiếng súng bắn mừng báo tin Nam Phương hoàng hậu đã hạ sinh, và lờ mờ sáng lại một lần nữa 7 tiếng súng thần công làm lay động cả Hoàng Thành, báo hiệu Hoàng hậu đã sinh một Hoàng tử.[24] Người đó chính là Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long.

Nam Phương hoàng hậu cùng Bảo Đại có tất cả năm người con:

  1. Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, tước phong Hoàng thái tử.
  2. Hoàng nữ Phương Mai, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1937.
  3. Hoàng nữ Phương Liên, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938.
  4. Hoàng nữ Phương Dung, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942.
  5. Nguyễn Phúc Bảo Thắng, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943, Nhị hoàng tử.